Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
VỀ NÚI VĂN TRINH NGHE HÁT NHÀ TRÒ

Các khúc ca, điệu hát được Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật sáng tác khi ông ở vùng đất Văn Trinh, nên tên đất cũng được đặt tên cho di sản hát nhà trò

             Bài viết: VỀ NÚI VĂN TRINH NGHE HÁT NHÀ TRÒ

Các  khúc ca, điệu hát được Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật sáng tác khi ông ở vùng đất Văn Trinh, nên tên đất cũng được đặt tên cho di sản hát nhà trò. Trở về xã Quảng Hợp cục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã rất vui mừng và tự hào vì nơi đây  có di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, hậu thế thêm hiểu và trân trọng giá trị lịch sử - văn hóa được tạo dựng, bồi đắp bởi tiền nhân.

 

Về núi Văn Trinh, nghe hát nhà trò

 

Ngày 30-7-2023 cục Di sản văn hóa quốc gia đã về núi văn trinh nơi có đền thờ Đức thánh chiêu văn vương Trần Nhật Duật để khảo sát,bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ DSVHPVT để đưa vào danh mục quốc gia đó là di sản hát nhà trò văn Trinh

 

Các đào nương đang trình bày các làn điệu của hát nhà trò

 

Không chỉ giỏi đánh trận, theo một số tài liệu, từ nhỏ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật vốn đã nổi tiếng bởi sự hiểu biết hơn người. Thông hiểu tiếng nói của nhiều dân tộc nên ông còn được biết đến với tư cách là nhà ngoại giao kiệt xuất thời Trần. Đặc biệt, ông có năng khiếu thiên bẩm về âm nhạc, tinh thông nhạc lý, sành âm luật, giỏi đặt lời ca, điệu múa… để các phường hát chầu phục vụ triều đình.

 

Tương truyền, mỗi lần thắng trận trở về hay dịp vui, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật lại tổ chức hát mừng cùng tướng sĩ. Các bản hát được ông sáng tác ngay tại vùng đất Văn Trinh. Ông được xem như “tổ sư” âm nhạc thời Trần - người “khai sinh” ra điệu hát nhà trò Văn Trinh còn lưu truyền đến ngày hôm nay.

Về núi Văn Trinh, nghe hát nhà trò

Biểu diễn hát nhà trò Văn Trinh (hát múa dâng huong,ngâm câu đối) tại Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, xã Quảng Hợp

 

Theo các nhà nghiên cứu, hát nhà trò (vừa hát vừa làm trò) là “ban sơ” của nghệ thuật ca trù. Tuy nhiên, hát nhà trò Văn Trinh lại mang nét đẹp văn hóa riêng. Chị Lê Thị Thu, Chủ nhiệm CLB hát nhà trò Văn Trinh tự hào: “Như đã ngấm vào máu, là người dân sinh ra ở đất Văn Trinh, có ai không biết một vài điệu hát nhà trò, trong thời gian tiếp theo câu lạc bộ sẽ truyền lại cho thế hệ sau , để thế hệ trẻ  hiểu thêm về giá trị của đi sản hát nhà trò văn Trinh. Nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, vì các ca khúc, điệu hát được Chiêu Văn Vương sáng tác ở đất Văn Trinh nên tên vùng đất đã trở thành tên di sản. Còn hát nhà trò Văn Trinh, hiểu một cách đơn giản thì đó chính là một trong những hình thức đầu tiên của ca trù Việt Nam. Hát nhà trò Văn Trinh có hát đối, hát dâng hương, hát cách, hát nói, dâng câu đối, thơ phú, hát ru, là sự kết hợp của thanh âm đàn đáy, trống chầu cùng lời ca tiếng hát của các nghệ nhân”.

Các đào nương đang truyền lại những giá trị văn hóa hát nhà trò văn Trinh.

 

Hát nhà trò Văn Trinh thường gắn liền với lễ hội núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, với lời hát ca ngợi vùng đất, con người, anh hùng dân tộc, quê hương, cảnh đẹp núi sông… là niềm tự hào của người dân nơi đây. Lời hát cất lên, nghe như có tiếng vọng về từ lịch sử. Dẫu đi qua thăng trầm, nhưng những địa danh được nhắc đến, như: “Bái Đồng Cơ”, “Mã Đống Dinh”, “Quần Lực”… trong lời ca đưa kẻ hậu sinh trở về thời “thái ấp điền trang”, nơi vùng đất Văn Trinh phồn vinh một thuở. Là điển lễ đã được dân gian hóa, vậy nên ngoài khuôn mẫu riêng thì nghe hát nhà trò Văn Trinh, cũng dễ cảm nhận được “hơi thở” cuộc sống ở trong lời hát, điệu múa.

 

Sau thời gian mai một, nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy nét đẹp của di sản văn hóa hát nhà trò Văn Trinh, năm 2006, chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành chuyên môn mời nghệ sĩ ưu tú Bạch Vân về truyền dạy hát ca trù cho người dân Quảng Hợp. Đến nay, CLB hát nhà trò Văn Trinh với gần 20 hội viên đang hoạt động hiệu quả trong các sự kiện văn hóa - lễ hội của địa phương. Đặc biệt, vào dịp lễ hội núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (ngày mùng 8 tháng 8 âm lịch hàng năm), bên cạnh các nghi lễ truyền thống thì không thể thiếu hát nhà trò Văn Trinh. Đây cũng là sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật hấp dẫn người dân, du khách khi về với lễ hội.

 

 Chính quyền địa phương đã phối hợp với các cấp, ngành chuyên môn làm hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền công nhận di tích núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; đồng thời, đưa hát nhà trò Văn Trinh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.